Posted by : Unknown Wednesday, July 30, 2014






Nhiều tiềm năng nhưng thiếu và yếu về dịch vụ


Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% trong hoạt động của ngành du lịch và được xem là 1 trong 5 hướng đột phá về phát triển kinh tế biển và ven biển. Hầu hết các đơn vị lữ hành trong nước có khai thác sản phẩm du lịch nội địa đều không thể bỏ qua những tour du lịch gắn liền với biển đảo, đặc biệt là vào dịp hè.


Không chỉ khai thác những điểm đến quen thuộc, năm nay nhiều đơn vị lữ hành còn tìm tòi đổi mới, khai thác những tour biển đảo mới như Hanoi Redtours khai thác độc quyền 3 tour biển đảo mới, sử dụng đường bay thẳng Hà Nội-Tam Kỳ, Hà Nội-Tuy Hòa đến các danh thắng nổi tiếng được các chuyên gia du lịch dự báo sẽ “làm mưa làm gió” trong mùa hè này như đảo Lý Sơn, biển Chu Lai, bãi Rạng, biển Tuy Hòa, bán Đảo Sơn Trà...


Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hanoi Redtours cho biết, với những tour biển đảo mới này, du khách không chỉ được nghỉ dưỡng tại các bãi biển hoang sơ đẹp nhất Việt Nam mà còn có dịp tham quan các di tích gắn liền với công cuộc dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc để từ đó bồi đắp thêm lòng tự tôn dân tộc, thể hiện tinh thần vì biển đảo quê hương.







Du khách tại bãi biển Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia du lịch, chất lượng các dịch vụ đi kèm tại đây lại còn rất kém. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu mà du lịch biển, đảo vấp phải: “Có thể nói, nhược điểm lớn nhất là dịch vụ ở các nơi này thiếu, yếu và ít dịch vụ bổ trợ cho khách vui chơi, mua sắm... Một số vùng biển còn tiềm năng lớn nhưng rất khó đưa khách đến với số lượng đông do thiếu hạ tầng, dịch vụ hoặc đường bay. An ninh trật tự và quản lý giá cũng là những vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp du lịch bức xúc. Chưa kể, sản phẩm du lịch ở các điểm dừng chân của du khách còn đơn điệu, trình độ nhân lực phục vụ cho ngành du lịch này còn nhiều hạn chế về kỹ năng, ngoại ngữ...”


Cần có sự đầu tư và quản lý một cách chiến lược


Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020” vừa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt mới đây. Theo đó, Đề án xác định mục tiêu tổng quát là, đến năm 2020, du lịch biển trở thành ngành động lực của kinh tế biển Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”.


Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, trong tình hình hiện nay thì việc phát triển du lịch biển đảo gắn liền với việc khẳng định chủ quyền biên giới biển đảo của Việt Nam càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Đồng nhận định, các chuyên gia du lịch cũng cho rằng, việc chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch biển đảo là một định hướng đúng đắn, phù hợp với thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam và mang ý nghĩa đặc biệt trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.


Tuy nhiên, để du lịch biển đảo phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng và tạo được thương hiệu riêng thì ngoài việc phải khắc phục những hạn chế đã tồn tại nhiều năm qua thì cần có sự đầu tư và quản lý một cách chiến lược cả về cơ sở vật chất, dịch vụ và con người cho các trung tâm du lịch biển đảo đã được xác định trong Đề án phát triển du lịch Biển đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020.


Bài, ảnh: THU THỦY


Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

- Copyright © Danh lam thắng cảnh - Skyblue - Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -