- Back to Home »
- AI CẬP »
- Khám phá Ai Cập của thiên chúa giáo (Phần 3)
Posted by : Unknown
Sunday, May 19, 2013
Kể từ ngày thứ 3, chúng tôi rời thủ đô Cairo và bắt đầu hành trình lang thang trong sa mạc để tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của thiên chúa giáo tại Trung Đông. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Wadi El Natrun, một nơi giàu truyền thống lịch sử phát triển các dòng thầy tu thiên chúa giáo. Chuyến viếng thăm cộng đồng tu sĩ ở đây giúp chúng tôi có được cái nhìn rõ nét hơn về thế nào là tu hành theo kiểu thiên chúa giáo. Kết nối với những kiến thức đã tích lũy được trên băng ghế đại học, tôi nghĩ bản thân đã có được cái nhìn khá hòm hòm về tầm ảnh hưởng của thiên chúa giáo trong đời sống của những quốc gia xung quanh Địa Trung Hải và Châu Âu. Nhưng phải nói rằng những gì mà tôi trình bày dưới đây chỉ là một hạt cát so với những quyến sách dày cộp giải thích về thiên chúa giáo.
Như các bạn đã biết, khi mà một tôn giáo được công nhận, chắc chắn tôn giáo đó phải có sự tồn tại của một quyển kinh thánh cũng như một bộ máy tổ chức chặt chẽ để có thể truyền đạo một cách hiệu quả. Đạo Hồi thì có kinh coran, đạo phật thì có kinh sutra, còn thiên chúa giáo thì có kinh thánh mà phương tây gọi là bible. Trong cuốn kinh này có rất nhiều phần kể về đời sống của chúa Jesus cũng như những lời răn của chúa. Tuy nhiên, những lời răn đó không phải lúc nào cũng là câu trả lời toàn diện cho cuộc sống của những người sùng đạo, đặc biệt là ở nhiều khía cạnh liên quan trực tiếp đến cuộc sống của họ như cưới xin, làm đám ma…Vì thế, cần phải “chế” ra những đạo luật mới để bổ sung vào chỗ thiếu. Nhiệm vụ đó một phần được hoàn thành bởi các tu sĩ thiên chúa giáo mà nguồn gốc thủy tổ sinh ra đầu tiên chính là trên đất Ai Cập.
Quay trở lại với những thế kỷ 4-5 sau công nguyên. Như đã giải thích trong phần đầu tiên, cộng đồng thiên chúa giáo dưới thời đế chế La Mã bị truy nã và tàn sát không thương tiếc. Phải chờ đến thời điểm đế chế La Mã đang suy yếu (bắt đầu từ thế kỷ thứ 4 sau công nguyên), cộng đồng thiên chúa giáo mới được công nhận quyền tự do tín ngưỡng và ít nhiều thoát khỏi cảnh phải sống chui lủi dưới lòng đất. Trong bối cảnh ấy, một số tu sĩ muốn tự tìm con đường tu hành riêng của mình, phỏng theo cách tu hành của chúa Jesus (tức là sống rất khắc khổ). Họ chủ động sống ẩn dật tại những nơi tận cùng của thế giới. Vậy ở môi trường nào thì được coi là sống khổ hạnh? Câu trả lời chính là tại sa mạc hoang vu với cái nóng hơn 40 độ. Sống khắc khổ, sống không tình dục, sống khiêm nhường, đó là triết lý sống của những tu sĩ này. Có thế mới biệt đời mình thật là hạnh phúc vì không phải kiêng mấy món trên.
Thế hệ tu sĩ đầu tiên cũng là những người thành lập ra tu viện và cộng đồng tu sĩ đầu tiên trong lịch sử thiên chúa giáo và không quá ngạc nhiên khi nhận thấy rằng tất cả các tu viện này đều được tìm thấy ở sa mạc khô cằn. Bắt đầu từ thế kỷ thứ 7, mô hình phát triển kiểu tu viện này được du nhập vào Châu Âu, tạo tiền đề cho sự sinh ra của các dòng tu khác ở Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Qua nhiều thế kỷ, với những biến động của lịch sử, không ít công trình kiến trúc cũng như cộng đồng thiên chúa giáo ở Ai Cập bị phá hủy, đặc biệt là kể từ khi Hồi giáo chính thức trở thành quốc giáo từ thế kỷ thứ 10.
Ngày nay, chỉ còn sót lại một vài cộng đồng tu sĩ, xoay quanh những tu viện nằm rải rác trong sa mạc. Chuyến đi của chúng tôi không đảm bảo thăm hết tất cả các tu viện này, một phần vì việc chúng nằm quá rải rác và không có hệ thống đường xá thuận lợi. Mặt khác, giữa tất cả các cộng đồng tu sĩ này ít nhiều có điểm chung nên chỉ cần thăm một hai nơi thí điểm. Trong bối cảnh này, Wadi El Natrun là một sự lựa chọn đúng vì nó không nằm quá xa so với thủ đô Cairo (khoảng 2h ôtô).
Nằm gần như trong một ốc đảo, Wadi El Natrun là một ví dụ điển hình cho cuộc sống của những người tu hành trong quá khứ. Sống thân cô thế cô trong một khu vực khỉ ho cò gáy này là biết bao nguy hiểm, từ bão cát cho đến những cuộc tấn công cướp bóc của dân du mục. Đó là lý do vì sao ngoài việc tu hành, những tu sĩ nơi đây đôi khi phải kiêm luôn vai trò là những chiến sĩ dũng cảm. Với nhu cầu phòng thủ để bảo vệ chính cộng đồng của mình, các tu sĩ tham gia vào việc xây dựng hệ thống thành lũy bao vây quanh các tu viện. Ở đây có cả thảy 4 tu viện và trong quá khứ, chúng đã phải chịu 6 lần tấn công từ các thế lực bên ngoài. Từ tấn công vũ trang, nhiều khi các cộng đồng nơi đây còn phải hứng chịu hiểm nguy từ dịch bệnh nữa. Vào thế kỷ 14, gần như cả Châu Âu và Trung Đông phải chịu làn sóng bênh hủi lớn chưa từng có trong lịch sử loài người. Nếu tôi nhớ không nhầm, 1/3 dân số của cả Châu Âu chết vì bệnh này. Dịch bệnh len lỏi đến từng khu phố, sang tận Châu Phi và len đến những vùng tận cùng của thế giới, trong đó có vùng sa mạc khô cằn của Wadi El Natrun, nơi cộng đồng tu sĩ tử thủ đằng sau hệ thống thành lũy xây bằng đất nện.
Nói đến đây, tôi lại nhớ đến một số bộ phim Hollywood như “Season of the witch” nói về bối cảnh dòng tu sĩ thời kỳ trung cổ. Tất nhiên, nội dung bộ phim chỉ nói về nước Pháp, Israel và Syria nhưng làn sóng dịch bệnh hủi là một cột mốc lịch sử có thật, tạo nguồn cảm hứng để làm bộ phim này. Bệnh hủi, vào thời kỳ mà khoa học chưa phát triển, người ta nghĩ đó là sự trừng phạt của chúa hoặc một loại bùa bả tà ma do một số phù thủy tạo nên. Chính sự tưởng tượng về các loại ta ma yếu quái này mà các bộ phim Hollywood đã tạo nên những kịch bản khá ly kỳ thu hút người xem.
Quay trở lại với Wadi El Natrun. Trong tiếng ả rập, wadicó nghĩa là thung lũng. Trên trục đường từ Cairo lên phía bắc là một khu vực rải rác các con hồ nhỏ, được tạo nên nhờ việc giữ lại nguồn nước mưa. Do nằm vị trí địa lý được bao bọc bởi các hồ này mà người Ai Cập đặt cho cái tên “thung lũng” mặc dầu chẳng có dãy núi nào bao quanh cả. Còn cái tên El Natrun thì sao? Natrun là một loại khoáng chất sodium, được triết xuất từ các thềm hồ xung quanh. Vào thời Ai Cập cổ đại, người ta sử dụng chất này để ướp xác cho các vị pharaon. Wadi El Natrun là nguồn cung cấp chủ yếu cho loại khoáng sản này.
Thực tế chuyến thăm các tu viện ở Wadi El Natrun không giống như những gì tôi mường tượng. Sách vở đã thêu dệt lên một hình ảnh tu viện nằm lẻ loi trong sa mạc. Thế nhưng đó là hình ảnh của một tu viện đầu thế kỷ 20.
Wadi El Natrun ngày nay không còn là một sa mạc hẻo lánh nữa mà là cả một đô thị nhỏ với nhà cửa và đường xá bao vây quanh các tu viện và hệ thống thành lũy. Điều đó có nghĩa rằng cuộc sống thành thị đã len lỏi được đến đây và làm ảnh hưởng ít nhiều đến truyền thống ở ẩn của các tu sĩ. Thành lũy Wadi El Natrun có thể chống cự lại các cuộc công kích của dân du mục vào thế kỷ thứ 3, của quân đội hồi giáo vào thời trung cổ, thế nhưng nó không thể chống lại bước tiến của văn minh đô thị ở thế kỷ 21. Còn việc bước tiến đó được tiếp nhận thế nào, nó phụ thuộc vào cái nhìn của mỗi người. Chí ít, nếu nhìn vào thực tế, có thể thấy rằng sự phát triển đô thị xung quanh các tu viện phần nào giúp cải thiện đời sống của các tu sĩ. Đã có những phòng ngủ mới cho họ, đã có thêm các vườn rau cho họ, đã có thêm những khoảnh đất canh tác… chỉ có điều, liệu sự cải thiện sẽ mãi theo chiều hướng như vậy? Cách đây 1000 năm, các tu sĩ chỉ biết dùng giấy và mực thô sơ rồi dùng con lừa để chuyển văn thư. Còn ngày nay? Họ có thể dùng Internet và email.
Trước khi chúng tôi đến đây, công ty Ictus Voyages đã đặt trước lịch hẹn với một tu sĩ địa phương, cha Ruis. Và tất nhiên, cha dùng email để giao dịch. Điều đó đồng nghĩa với việc Internet đã làm thay đổi thói quen của tu sĩ. Khi mà Facebook, Youtube, Play Station đang tràn lan ở thế giới bên ngoài, liệu có một ngày nào đó chúng sẽ len lỏi vào cuộc sống hằng ngày của họ?
Vậy, mô hình phát triển của các tu viện thiên chúa giáo tại Ai Cập như thế nào? Đơn giản thôi. Ban đầu, vào những thế kỷ 4-5, những ẩn sĩ đầu tiên lùi về các khu vực hẻo lánh này để sống một cuộc sống tu hành rất khắc khổ và hầu như đơn độc. Họ thường chọn những nơi chí ít có nước để sống, một trong những nguyên nhân giải thích tại sao đa phần các tu viện đều nằm gần một nguồn nước hoặc cạnh một ốc đảo. Năm thì mười họa, họ mới tiếp xúc với một số cộng đồng dân thường sống gần đó. Những người ẩn sĩ đầu tiên này có vẻ rất được lòng dân tình địa phương vì họ có cái nhìn cuộc sống hướng thiện và hay cứu người. Sự “nổi tiếng” của các ẩn sĩ dần dần được truyền miệng đến tai những thế hệ tu sĩ sau và thế là lần lượt các vị tu sĩ mới mò đến để được thỉnh giáo. Họ chuyển đến xây một túp lều không quá xa nơi thế hệ tu sĩ đầu tiên đang ở và nhờ đó tạo lên một nhóm tu sĩ ở ẩn. Từ một nhóm nhỏ, họ trở thành một cộng đồng nhỏ sống kiểu tự cung tự cấp.
Theo dòng thời gian, với việc tiến hóa của cuộc sống tu hành, họ cùng nhau xây những khu vực cầu nguyện hoặc ăn uống tập thể. Đây là những yếu tố căn bản đầu tiên để tạo nên một tu viện : một nơi để cầu nguyện, một nơi để ở, một nơi để ăn, một khu vực đất canh tác, và cuối cùng là một hệ thống phòng thủ bao gồm chòi canh và tường thành để đề phòng các cuộc tấn công của bộ tộc du mục trong sa mạc.
Chính sự hiểm nguy từ sa mạc là nguyên nhân chính khiến mô hình tu viện thiên chúa giáo ở Trung Đông nói chung rất khác so với các tu viện ở Châu Âu. Ban đầu, các ẩn sĩ sống trong các hang động hoặc túp lều riêng lẻ. Nhưng khi mà bộ tộc du mục tấn công quá nhiều, họ buộc phải xích lại gần nhau để tạo nên một cộng đồng an toàn hơn. Ban đầu, cộng đồng tu sĩ thỉnh thoảng tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhưng do những nguy hiểm tiềm ẩn, họ ngày càng trở nên khép kín và dè chừng những người lạ xâm nhập vào bên trong tu viện.
Vào thời trung cổ, mỗi một tu viện giống như một pháo đài thực thụ với hệ thống phòng thủ khá kiên cố. Để củng cố thêm sự vững chắc, các cộng đồng tu sĩ cho xây các tu viện nằm gần nhau (khoảng 1km đổ lại) với mục đích tạo thành một quần thể các công trình kiến trúc phòng thủ để dễ hỗ trợ nhau trong trường hợp bị một thế lực bên ngoài tấn công dồn dập. Nhu cầu này cũng dễ hiểu vì ngay từ thế kỷ thứ 10, Ai Cập là lãnh thổ của người hồi giáo. Và khi mà xung đột giữa thiên chúa giáo và hồi giáo lên đỉnh điểm ở những thế kỷ 12-13, việc nằm ngay trong lòng tổ kiến hồi giáo thực sự là một mối nguy hiểm thường trực. Mô hình quần thể tu viện được thể hiện rất rõ tại Wadi El Natrun với sự hiện diện của 4 tu viện khác nhau, nằm cách nhau chừng 500m. Theo sổ sách ghi lại, vào thể kỷ thứ 11, nơi đây có khoảng 50 tu viện lớn nhỏ với vài trăm tu sĩ.
Không quá ngạc nhiên khi chúng tôi là nhóm khách du lịch duy nhất đặt chân đến đây. Trên 100 du khách đến Ai Cập, đại đa số đổ xô đến kim tự tháp, các bãi biển tuyệt đẹp dọctheo Biển Đỏ hoặc đi du thuyền dọc theo sông Nile. Có ai dở hơi tốn thời gian đến cái xứ khỉ ho cò gáy này để tìm hiểu về thiên chúa giáo hay trau dồi kiến thức? Mệt đầu.
Chỉ với 4 tu viện nhưng chuyến viếng thăm Wadi El Natrun cũng phải mất xấp xỉ 5h. Chúng tôi tiếp tục hành trình bằng con đường quốc lộ nối Cairo và Alexandria lên phía bắc. Trên trục đường này, chúng tôi dừng chân nghỉ đêm tại Anafora (cách Wadi El Natrun 35km về phía đông và Cairo 75km về phía bắc), tuy là một nơi nghỉ đêm vô danh trong con mắt khách du lịch nhưng lại rất nhiều nhóm khách du lịch hành hương thiên chúa giáo biết đến. Cũng phải thôi, được xây lên và quản lý bởi cộng đồng Coptic, mục đích chính của Anafora là để đón tiếp các nhóm người có thiên hướng sùng đạo thiên chúa giáo, nơi người ta có thể tận hưởng những khoảnh khắc yên tĩnh của sa mạc về đêm.
Tuy nhiên, Anafora không nghiêm cấm bất cứ du khách nào không phải đạo thiên chúa mà muốn ngủ qua đêm. Tôi khá ấn tượng với cách bài trí bên trong của khu vực phòng cầu nguyện với thảm trải nhiều màu sắc sặc sỡ do chính trung tâm Anafora dệt.
Lạc vào Anafora như thể lạc vào một ốc đảo thiên chúa giáo giữa lòng Ai Cập hồi giáo. Tại đây, tất nhiên là đại đa số du khách đều theo đạo thiên chúa. Xung quanh khu vực nghỉ đêm là cả một khu vườn canh tác rộng lớn, nơi người dân địa phương trông rau và hoa quả để phục vụ bữa ăn cho khách. Điều đó đồng nghĩa với việc các bữa ăn ở đây phần lớn là ăn rau quả. Nhưng cũng có thịt nữa! Đó là điều khác biệt so với những người theo đạo Phật kiểu Việt Nam, hay ăn chay.
Các căn phòng ngủ ở đây đều được xây bằng rơm và đất nung. Nếu nhìn từ trên cao, sẽ nhận thấy tất cả các phòng được xếp thành hình dấu chấm hỏi với phòng cầu nguyện nằm ở vị trí dấu chấm. Tại sao lại có cách bài trí như vây? Theo cha Thomas, người quản lý ở đây, trong mỗi một đời người, ai cũng có lúc tự đặt cho mình câu hỏi làm thế nào để tu hành chính quả.
Phương pháp quản lý ở đây cũng rất thông minh. Dưới sự dẫn dắt của cha Thomas là khoảng 25 người đến đây làm việc từ thiện, họ tham gia vào tất cả các hoạt động của trung tâm như nấu ăn, phuc vụ ăn uống, dịch vụ phòng…một số bạn trẻ đến từ nhiều nơi trên thế giới, góp phần tăng thêm tính quốc tế của trung tâm.
Ngày tiếp theo trên hành trình khám phá tu viện là một ngày dài trên đường bụi bặm với khoảng hơn 300km. Đó là chặng đầu tiên trong chuyến đi mà tôi thấy nó dài lê thê. Chúng tôi ngồi mài đũng quần trong ôtô băng qua đại dương sa mạc như thể những con chiên của chúa đang rạo rực khí thế tiến về miền đất hứa, một nơi nào đó nằm gần ven biển Đỏ. Bản thân tôi thì thấy chặng đường đi chẳng có gì đặc sắc, sa mạc thì đẹp thật nhưng mà chỗ nào cũng giống chỗ nào nên chỉ sau vài tiếng thì bạn sẽ thấy oải ngay. Nhưng với những thành viên đoàn thì lại khác bởi họ là những người sùng đạo và có lòng tin vào chúa. Vì thế, điểm đến sắp tới của chúng tôi tạo cho họ một cảm giác gì đó rất hồi hộp. Trên chuyến xe, các thành viên không có khi nào ngừng trao đổi với tôi về tu viện Saint Antony,vị thánh rất nổi tiếng trong lịch sử các vị tu sĩ ở ẩn. Thậm chí có rất nhiều tranh nghệ thuật của những thế kỷ 16-18 tại Châu Âu tưởng tượng chân dung của vị tu sĩ này.
Cũng giống như quần thể tu viện ở Wadi El Natrun, tu viện Saint Antony được bao quanh bởi một hệ thống thành lũy nhằm mục đích phòng thủ chống lại những đợt tấn công của các bộ tộc du mục đến từ sa mạc. Một điểm đáng chú ý ở đây là người địa phương không sử dụng các khối đá rất sẵn từ mỏm núi xung quanh mà họ lại sử dụng gạch đất nung. Tại sao vậy? Đó là vì tại đất sa mạc Ai Cập, nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm rất lớn, từ -2 độ đến 50 độ. Với sự khác biệt quá lớn như vậy, các khối đã dễ bị vỡ lở, nhưng ngược lại gạch đất nung có chứa tố chất đàn hồi nên sẽ tồn tại lâu bền hơn.
Nằm trơ trọi giữa một vùng đất khô cằn nhưng lạ thay tu viện ngày nay không còn là một địa danh cô độc nữa. Nó đã trở thành một điểm đến du lịch ưa thích cuả những ai theo đạo thiên chúa giáo. Không qúa ngoa khi nói rằng tu viện ở đây đã bị “du lịch hóa” bởi nguồn thu tài chính tiềm năng từ các phái đoàn du lịch thiên chúa giáo. Nhận biết được điều này, chính quyền địa phương đã đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng, cho xây hẳn một con đường rải nhựa dẫn thẳng đến cửa tu viện.
Ngoài ra, bên trong thì toàn những đồ lưu niệm liên quan đến Saint Antony : bút chì, tranh ảnh, nến, xâu chìa khóa. Đấy là chưa kể các sản phẩm như dầu ôliu, bánh ngọt, được quảng cáo là do chính tay các tu sĩ tại đây làm. Tôi nghĩ bụng : “đi tu kiểu gì mà bày vẽ ra đủ các loại đồ lưu niệm thế nhỉ? Chắc các tu sĩ ở đây toàn fake?” Có thể mới biết ranh giới giữa tu hành khổ hạnh và cám giỗ trần gian thật là mong manh.
Một điều thú vị nữa mà tôi nhận thấy ở chuyến viếng thăm này, đó là việc phương pháp tu hành của các tu sĩ không còn thuần túy như cách đây vài nghìn năm. Nó đã “tiến hóa” rất nhiều theo thuyết tiến hóa của Darwin. Đối với tôi, tu viện Saint Antony đơn thuần chỉ là nạn nhân của hiện tượng “Disneyland” hóa các địa danh du lịch. Nếu như các bạn đã từng một lần đến công viên Disneyland một lần thì chắc sẽ hiểu hàm ý của tôi. Bạn hãy tưởng tượng khi vào công viên này, tất cả những gì bạn nhìn thấy chỉ là công nghệ bài trí với mục đích tạo cảm giác bạn đang lạc vào thế giới của các bộ phim hoạt hình do Disneyland tạo ra, từ chú chuột Mickey đến nàng bạch tuyết. Tu viện Saint Antony có cái gì đó tương đương như vậy. Tại đây, các khu vực nhà ở cho tu sĩ được “bài trí” một cách nhân tạo để cố tình tạo cho du khách cảm giác rằng họ đang lạc vào cuộc sống tu hành của vài nghìn năm trước. Nhưng trên thực thế vẫn có một vài sơ hở…
Hãy nhìn vào các ngôi nhà này, đây là các căn phòng dành cho các tu sĩ. Theo truyền thống trước kia, mỗi một căn phòng dành riêng cho một tu sĩ, họ sống biệt lập bên trong để có thể toàn tâm toàn ý cầu nguyện. Các bữa ăn được chuyển vào thông qua chiếc cửa sô nhỏ bên cạnh. Còn ngày nay, phương pháp đã thay đổi. Muốn gọi tu sĩ ra ăn cơm? Hãy sử dụng chuông điện tử bên cạnh cửa! Tôi tự hỏi có khi sắp tới người ta “nâng cấp”, trang bị hẳn cho tu sĩ Iphone hoặc Ipad cũng nên.
Chúng tôi được một vị tu sĩ ở đây kiêm hướng dẫn viên địa phương và giải thích một chút về tu viện này. Tôi sẽ không giải thích quá nhiều về những gì mà ông ta nói vì kiến thức liên quan nhiều đến chuyên môn (lịch sử thiên chúa giáo, nghệ thuật tranh vẽ trên tường…). Cái mà tôi muốn nói đến ở đây, một lần nữa. đó là việc vị tu sĩ này làm hướng dẫn viên “chuyên nghiệp” quá. Cứ như thể ông ta biết trước sẽ có những vị khách du lịch đến đây để ông ta “chăn”.
Đến gần cuối chuyến viếng thăm quần thể các khu vực bên trong tu viện, chúng tôi được mời ăn một loại bánh mì làm tại đây. Sau đó, vị tu sĩ dẫn chúng tôi đến thăm một căn phòng mà theo ông ta nói “ chỉ dành riêng cho các vị thôi nhé”. Và bên trong có gì? Trời! Cả một gian phòng toàn đồ lưu niệm : tranh vẽ, bưu thiếp, sách dịch sang đủ thứ tiếng, tất cả đều được niêm yết giá Usd dành cho khách du lịch. Và bên cạnh đó có một gian đồ lưu niệm khác được niêm yết bằng Lira Ai Cập dành cho người dân địa phương.
Sau khi đã thăm xong quần thể tu viện, vị tu sĩ dẫn chúng tôi ra ngoài thăm cái hang, nơi được cho là Saint Antony đã từng sống tu hành trong đó. Dưới cái nóng 35 độ không một bóng cây, chúng tôi phải leo khoảng 2800 bậc thang lên đỉnh núi để thăm một cái động, một nhiệm vụ quá khó khăn đặc biệt là với khá nhiều thành viên đoàn đã bước sang tuổi 50. Chỉ có tôi và thêm 3 người nữa là đủ máu lửa để tiếp tục hành trình. Thời điểm mà chúng tôi bắt đầu leo lên đã là 14h và nhiệt đỗ lúc đó cũng phải rơi vào tầm 35-38 độ. Vị tu sĩ đúng là khéo chọn thời điểm đúng lúc mặt trời lên cao nhất và trong tay tôi chỉ là một chai nước đang nóng dần lên bởi ánh nắng.
Sau chuyến đi ôtô 4 tiếng, giờ lại thêm một cuộc leo núi ngoạn mục nữa. Có lẽ đây là ngày mà tôi cảm thấy mình thực sự là một vận động viên thể thao chuyên nghiệp. Khi đã leo lên đỉnh rồi, tôi có được một cái nhìn toàn cảnh sa mạc từ trên cao, một khung cảnh hùng vĩ. Và phần thưởng xứng đáng dành cho những ai đủ kiên nhẫn leo lên đỉnh là chuyến viếng thăm cái hang mà Saint Antony ở.
Đôi lời về vị thánh này. Ông là một trong 4 vị tu sĩ đầu tiên khởi đầu phong cách tu hành khổ hạnh theo kiểu tự đào một cái lỗ, sống xa cách thế giới loài người, và chỉ tập trung vào cầu nguyện và nhịn ăn. Chính Saint Antony là người sáng lập là hệ thống các điều luật tu viện đầu tiên và cũng là người sáng lập tu viện đang nằm dưới chân núi hiện nay.
Khi từ trến đỉnh núi quay trở lại tu viện thì cũng đã đến cuối buổi chiều. Chúng tôi quay trở lại ôtô và nghỉ đêm tại Hurghada, cách tu viện Saint Antony 45km về phía nam.